Con người có thể tồn tại nhiều tuần mà không cần thức ăn, nhưng hầu như chỉ sống sót từ hai đến 4 ngày nếu không có nước.
Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về ngưỡng tồn tại của con người nếu thiếu thức ăn và nước uống, vì các thí nghiệm này là phi đạo đức. Hầu hết nghiên cứu đều liên quan đến những trường hợp ngẫu nhiên rơi vào tình huống sống còn trong đời thực. Ví dụ, các nhà khoa học đã ghi nhận một tù nhân ở Áo bị bỏ quên trong phòng giam đã sống sót 18 ngày mà không được ăn uống – thời gian dài nhất trong lịch sử.
Thực tế, một người có thể sống trong nhiều tuần mà không cần thức ăn, theo tiến sĩ Mir Ali, giám đốc y tế Trung tâm Giảm Cân Phẫu thuật MemorialCare tại Trung tâm Y tế Orange Coast.
Thời gian đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính, cấu trúc cơ thể, thức ăn trong bữa cuối cùng và môi trường sống, tiến sĩ Andrea Paul, đồng sáng lập Health Media Experts, giải thích.
Ví dụ, những người có nhiều mỡ dự trữ trong cơ thể thường sống lâu hơn, bởi trong thời điểm cực kỳ đói, cơ thể sẽ đốt lượng mỡ này để làm năng lượng, tiến sĩ Ali cho biết. Một người nếu chỉ được uống nước, không có thức ăn có thể sống sót đến hai tháng.
Một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia về vấn đề tuyệt thực cho thấy nếu chỉ được uống nước, người tuyệt thực có thể trụ được 28 đến 38 ngày. Trong những trường hợp khác, người tuyệt thực chết sau khoảng 45 đến 61 ngày.
Nhìn chung, những người gầy, khỏe mạnh đạt đến ngưỡng đói nghiêm trọng sau khi giảm 18% trọng lượng cơ thể, hoặc chỉ số khối cơ thể BMI xuống dưới 16,5.
Phụ nữ có thể nhịn đói lâu hơn nam giới và tồn tại được ở mức BMI thấp hơn. Điều này là do phụ nữ có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn, có xu hướng sử dụng chất béo thay vì vùng cơ để lấy năng lượng trong thời gian đói.
Khi thiếu ăn, cơ thể sẽ trải qua “giai đoạn đói” vì không còn đủ lượng calo cần thiết để cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Thiếu calo, cơ thể buộc phải tìm nguyên liệu từ các nguồn khác.
“Cơ thể sẽ cố gắng phá vỡ mô và sử dụng các chất dinh dưỡng dự trữ để duy trì sự sống càng lâu càng tốt. Chúng ta có khả năng phục hồi vô cùng lớn khi bị đẩy đến bờ vực sống còn”, tiến sĩ Paul nói.
Đầu tiên, cơ thể hấp thụ bất kỳ lượng glucose nào còn sót lại. Trong vài giờ đầu, nó lấy glucose trong máu, còn gọi là đường huyết. Sau đó, nó tìm đến glycogen – glucose trong gan. Lượng glucose này sẽ cạn kiệt sau 24 giờ.
Ngoài ra, cơ thể sẽ thực hiện một quá trình chuyển đổi đáng kể, từ đốt cháy glucose sang đốt cháy chất béo dự trữ, đây gọi là giai đoạn ketosis. Lúc này, cân nặng giảm đáng kể, có các triệu chứng đói sơ bộ như chóng mặt, sương mù não và mệt mỏi.
Cơ thể cạn kiệt nguồn chất béo dự trữ trong vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc lượng chất béo còn lại là bao nhiêu. Một khi chất béo mất đi, cơ thể chuyển sang đốt protein bên trong cơ bắp, gồm cả cơ tim, làm tăng nguy cơ ngừng tim.
Khi lượng protein bị ảnh hưởng, sức khỏe xuống dốc nhanh chóng, gây ra loãng xương hoặc giảm mật độ xương, vấn đề tim mạch và suy nội tạng. Nếu không được điều trị sớm, suy tạng có thể gây tử vong.
Các chuyên gia ước tính con người chỉ có thể sống từ hai đến 4 ngày mà không uống nước. Ví dụ, vào năm 1944, hai nhà khoa học thử nghiệm không uống nước và vẫn ăn đủ chế độ dinh dưỡng cần thiết. Chỉ trong khoảng ba đến 4 ngày, họ phải dừng thử nghiệm vì đạt đến giới hạn.
Theo tiến sĩ Paul, cơ thể có thể phá vỡ mô để lấy năng lượng thay thế cho thức ăn, nhưng không có bất kỳ cách nào bù đắp tình trạng thiếu nước. Trong vòng vài giờ không uống nước, con người có thể gặp các triệu chứng như khát, khô da, chóng mặt. Nhịn uống nước lâu hơn dẫn đến lú lẫn, tăng nhịp tim, suy nội tạng. Mất nước có thể gây tử vong nhanh chóng, đặc biệt tại các khu vực có khí hậu nóng.
Như vậy, nếu không có thức ăn, con người vẫn tồn tại được trong nhiều tuần bằng cách phá vỡ mô lấy lượng chất béo dự trữ. Năng lượng do quá trình này giải phóng cho phép các cơ quan tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, không có phương pháp này giúp thay thế lượng chất lỏng. Mọi người hầu như chỉ có thể sống sót từ hai đến 4 ngày nếu không được uống nước.
Chuyên gia khuyến cáo không nên hạn chế ăn uống như hình thức giảm cân. Tiến sĩ Ali cho rằng chúng không an toàn và còn có thể phản tác dụng. Nếu cơ thể hấp thụ ít hơn 800 đến 1.000 calo mỗi ngày, quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Như vậy, cơ thể đốt cháy ít calo, việc giảm cân khó khăn hơn.