Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết củ khoai lang tươi chứa 24,6% tinh bột; 1,3% protein; 0,1% chất béo, các loại vitamin B, C và nhiều khoáng chất. Khoai lang có tác dụng bồi bổ cơ thể, phòng chữa nhiều bệnh như cảm cúm, chống viêm, giảm cân. Một số người nên cẩn trọng khi ăn khoai lang:
– Người bị thận
Khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin A. Người mắc bệnh thận, chức năng loại bỏ lượng kali dư thừa bị hạn chế, do đó ăn khoai lang có thể gây rối loạn nhịp, yếu tim.
– Người có hệ tiêu hóa kém
Người có hệ tiêu hóa kém ăn nhiều khoai lang có thể dẫn đến tăng tiết dịch vị, gây nóng ruột, ợ chua, sinh hơi chướng bụng. Ăn khoai lang buổi tối dễ bị trào ngược, nhất là với người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém, dễ đầy bụng. Ngoài ra, về đêm, cơ thể thường trao đổi chất thấp nên ăn khoai khó tiêu hóa dẫn đến mất ngủ.
Để tránh tình trạng này, bạn nên nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.
Lưu ý:
– Không ăn hồng chung với khoai lang. Lý do là khi ăn cùng, lượng đường trong khoai lang lên men trong dạ dày khiến dịch vị tiết ra nhiều hơn, phản ứng với chất tannin và pectin trong quả hồng, gây kết tủa.
– Khoai lang chứa một lượng carbohydrates tương đương với cơm. Vì vậy, nếu ăn khoai thì nên giảm lượng cơm để không dư thừa tinh bột.
– Nên kết hợp ăn thêm rau xanh và trái cây, thực phẩm thuộc nhóm chất đạm để đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất. Ví dụ, khi ăn khoai, bạn có thể thêm món thịt lợn để tăng khả năng hấp thụ, thúc đẩy hấp thu chất carotenoid tan trong chất béo và vitamin E. Ăn khoai với một số món ăn mặn có thể điều chỉnh hương vị, tốt cho dạ dày.
– Để tăng cường dinh dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Muốn giải cảm và chữa táo bón, nên dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.