Tôm bơm tạp chất có gây hại cho sức khỏe không? Cách nhận biết tôm bơm tạp chất

by chiennguyen
0 comment

Thông tin tôm bơm tạp chất mới đây được quay cận cảnh khiến người tiêu dùng không khỏi kinh hãi.

Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Tôm bơm tạp chất được 2 người tại cơ sở thực hiện đúng thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra. Mọi thao tác diễn ra thuần thục chứng tỏ những người làm đã quá quen với công việc này.

Mặc dù những người tiến hành bơm tạp chất vào tôm cho rằng có người hướng dẫn, do khách hàng yêu cầu mới làm để tôm to đẹp hơn. Nhưng theo Thanh Tra Sở NN&PTNT Hà Nội, thực chất việc bơm tạp chất vào tôm là do cơ sở tự làm vì đến tay người mua không ai biết tôm bơm tạp chất hay chưa.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi 1 con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10-15% so với trọng lượng của chính con tôm đó. Vì thế, cứ 10kg tôm được bơm tạp chất bán ra thị trường cũng đồng nghĩa trong đó có từ 1-1,5kg tạp chất.

Được biết, tôm bơm tạp chất tại đây sẽ được đưa vào các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội cũng như đưa sang các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Theo giá bán trên thị trường hiện nay, 1kg tôm loại to có giá dao động từ 500.000 – 600.000 đồng/kg. Vì thế, nếu tiêu thụ trót lọt khoảng 1 tạ tôm đã bơm tạp chất, chủ hàng có thể gia tăng đáng kể khoản tiền lãi cho mình. Đây là hành vi gian lận thương mại. Nhưng bên cạnh việc mất tiền oan, người tiêu dùng còn ăn phải tôm bẩn bởi tôm bơm tạp chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.

Ăn phải tôm bơm tạp chất nguy hiểm thế nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu.

Đây là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất là bột agar thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng.

“Đây là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất là bột agar thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khẳng định, việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính.

Làm thế nào để nhận biết tôm bơm tạp chất hay chưa?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu chú ý quan sát, cẩn trọng hơn, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện những loại tôm bơm tạp chất. Loại tôm thường được nhiều thương lái bơm tạp chất là loại tôm sú, tôm càng, có kích thước lớn và giá cả cao. Những loại tôm có kích cỡ nhỏ thường không bị bơm tạp chất. Nếu chỉ nhận biết qua màu sắc, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch.

Để nhận biết tôm bơm tạp chất, chúng ta cần chú ý vào 5 bộ phận sau:

– Hình dạng đuôi: Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi lại.

– Hình dáng thân tôm: Thân tôm bơm tạp chất thường mập mạp, căng bóng bất thường, thậm chí mập mạp đến nỗi giữa các đốt trên thân gần như bị giãn ra, nhất là phần nối giữa đầu và thân tôm. Tôm sạch thường có hình dáng tươi, giữa các đốt không bị giãn ra rõ ràng.

– Mặt sau của tôm bơm tạp chất: Chân tôm thường nhợt nhạt, kém tươi, trong khi tôm sạch, không bơm tạp chất có màu sắc tươi tắn hơn.

– Đầu tôm: Tôm bơm tạp chất thường bị phù đầu, gai vểnh lên bất thường, trong khi tôm sạch có hình dạng đầu bình thường. Đặc biệt đầu và thân tôm bơm tạp chất có sự liên kết lỏng lẻo hơn vì thường sẽ được bơm tạp chất vào khúc nối thân và đầu này.

– Khi nấu ăn: Tôm bơm tạp chất thường ra nhiều nước, thịt tôm teo lại rõ rệt trong quá trình nấu nướng. Khi ăn, thịt tôm bơm tạp chất thường bở, có vị nhạt hơn bình thường. Nếu tôm bị bơm thạch rau câu, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Chuyên gia lưu ý, chúng ta nên chọn những loại tôm tươi sống, tôm còn nhảy tanh tách khi mua hàng. Bạn cũng có thể chọn tôm nhỏ để ăn thay vì tôm to vì hầu như tôm nhỏ không thể bơm tạp chất được. Đối với những loại tôm đông lạnh nhất định phải quan sát kỹ các chi tiết như đầu, thân, đuôi tôm. Khi mua tôm nên kéo phần thân và phần đầu tôm ra để xem mức độ kéo giãn và xác định chính xác tôm có bơm tạp chất hay không. Nếu khớp nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.

You may also like

Leave a Comment