1. Vitamin C giúp tăng cường collagen
Vitamin C thực sự cần thiết để sản xuất collagen trong cơ thể. Collagen là thành phần cấu tạo nên da, tóc, cơ và gân… giúp làn da trông trẻ trung và mịn màng hơn. Khi già đi, quá trình sản xuất collagen chậm lại, có thể dẫn đến da chảy xệ và nhăn nheo.
Khi bôi tại chỗ, vitamin C sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất cả collagen và elastin, giúp giữ cho làn da săn chắc, căng mọng…
2. Giảm tăng sắc tố
Vitamin C có thể giúp cải thiện làn da bằng cách giảm sự xuất hiện của các đốm đen (tăng sắc tố). Đây là một tình trạng phổ biến đặc trưng bởi sự phát triển của các đốm đen trên da, thường xảy ra nhất do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) của mặt trời. Mặc dù vô hại nhưng tăng sắc tố có thể dẫn đến tông màu da không đồng đều.
Vitamin C giúp ức chế sản xuất tyrosinase, một loại enzyme hỗ trợ sản xuất melanin, ngăn ngừa tăng sắc tố, chỉ có tác dụng khi có sự tích tụ melanin bất thường do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
Lưu ý, vitamin C không làm mờ sắc tố da sẫm màu bình thường, do đó, không có tác dụng đối với màu da bình thường.
3. Chống lão hóa
Vitamin C không chỉ tăng cường sản xuất collagen, giảm nếp nhăn và tăng độ đàn hồi của da mà còn giúp ngăn ngừa sự mất mát collagen do lão hóa tự nhiên. Do đó, bôi vitamin C tại chỗ có thể giúp ngăn ngừa lão hóa sớm của da, trả lại vẻ trẻ trung, mịn màng cho làn da.
Ngoài ra, chất chống oxy hóa này còn đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các vết thâm không mong muốn và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm do hút thuốc, ô nhiễm môi trường và phơi nắng mạn tính.
4. Bảo vệ chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời (cũng như giường tắm nắng) có thể tạo ra các gốc tự do trong da, làm hỏng tế bào da và dẫn đến phân hủy collagen. Điều này gây ra hiện tượng quang hóa (hoặc lão hóa sớm).
Các dấu hiệu tổn thương do ánh nắng mặt trời bao gồm nếp nhăn, da chảy xệ, tông màu hoặc kết cấu da không đồng đều, đỏ da và vỡ mao mạch (tĩnh mạch mạng nhện).
Các nghiên cứu cho thấy, vitamin C trong da có thể giúp bảo vệ chống lại tác hại của tia cực tím, có thể giúp chống lại stress oxy hóa do các gốc tự do dư thừa trong tế bào da gây ra. Một đánh giá có hệ thống năm 2023 được công bố trên Tạp chí Da liễu Thẩm mỹ cho thấy, vitamin C rất hữu ích trong việc điều trị làn da không đều màu, nhăn nheo do tiếp xúc kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với bức xạ tia cực tím.
5. Thúc đẩy chữa lành vết thương
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa và tái tạo mô do đặc tính chống viêm và khả năng khuyến khích sản xuất collagen, một thành phần thiết yếu của mô liên kết. Do đó, mà không có gì đáng ngạc nhiên khi vết thương khó lành là triệu chứng phổ biến của tình trạng thiếu vitamin C.
Một đánh giá có hệ thống năm 2022 được công bố trên tạp chí Chất chống oxy hóa cho thấy, việc bổ sung vitamin C có thể cải thiện kết quả chữa lành ở những người mắc một số loại vết thương, đặc biệt là loét do tì đè.
6. Hydrat hóa da
Nếu không có đủ độ ẩm, lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) bắt đầu khô, dẫn đến da bị ngứa, bong vảy và lão hóa sớm. Hydrat hóa là rất quan trọng để giữ cho làn da khỏe mạnh và trẻ trung.
Theo một bài báo đánh giá năm 2017 được đăng trên tạp chí Nutrients, vitamin C có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp ngoài cùng của da, tăng cường khả năng tự bảo vệ của da khỏi mất nước.
Vitamin C cũng đã được chứng minh lâm sàng giúp da giữ nước, căng mọng, mịn màng và ngăn không cho da trở nên quá nhờn hoặc khô. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người được bổ sung vitamin C cho thấy sự cải thiện đáng kể và bền vững về độ ẩm, độ đàn hồi và độ nhám của da.
7. Giảm mẩn đỏ
Da có vết đốm, không đều màu và mẩn đỏ có thể do một số yếu tố, bao gồm tình trạng viêm da (ví dụ như bệnh chàm, trứng cá đỏ…), phơi nắng, nội tiết tố và tình trạng bệnh lý…
Một nghiên cứu cho thấy loại vitamin này giúp giảm thiểu mẩn đỏ nhờ đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Vitamin C còn giúp hàn gắn các mao mạch bị tổn thương gây mẩn đỏ trên da, tạo ra làn da mịn màng, đều màu hơn.
(nguồn: sưu tầm)